NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ________________ Số: 1117/2004/QĐ-NHNN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ______________________ Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin tín dụng
_________________
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/6/2003;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động thông tin tín dụng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2005 và thay thế Quyết định số 415/1999/QĐ-NHNN23 ngày18/11/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin tín dụng trong ngành ngân hàng.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Văn phòng Đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỐNG ĐỐC PHÓ THỐNG ĐỐC (Đã ký) Nguyễn Thị Kim Phụng |
QUY CHẾ
Hoạt động thông tin tín dụng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1117/2004/QĐ-NHNN ngày 08 tháng 9 năm 2004
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này điều chỉnh hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức khác nhằm góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, phục vụ công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước, phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng và phát triển kinh tế xã hội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
a) Trung tâm Thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước (sau đây viết tắt là CIC).
b) Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (sau đây viết tắt là chi nhánh NHNN).
c) Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.
2. Các tổ chức tín dụng (sau đây viết tắt là TCTD), chi nhánh TCTD.
3. Các tổ chức khác và cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin tín dụng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thông tin tín dụng là thông tin liên quan đến khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, gồm: thông tin về hồ sơ pháp lý, thông tin về tài chính, dư nợ tín dụng, bảo lãnh, bảo đảm tiền vay và tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng.
2. Hoạt động thông tin tín dụng là việc thu thập, xử lý, phân tích, xếp loại, trao đổi, dịch vụ cung cấp và khai thác sử dụng thông tin tín dụng.
3. Trao đổi thông tin tín dụng là việc truyền, gửi các thông tin về cảnh báo rủi ro tín dụng giữa CIC, chi nhánh NHNN và các TCTD, chi nhánh TCTD.
4. Dịch vụ thông tin tín dụng là việc cung cấp các sản phẩm thông tin tín dụng; hỗ trợ giải pháp quản trị thông tin tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao công nghệ về phần mềm quản trị thông tin tín dụng; tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm thông tin tín dụng.
5. Khách hàng có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, tổ chức khác có hoạt động ngân hàng:
a) Khách hàng doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp Nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức khác có đủ điều kiện theo qui định của Bộ Luật Dân sự (trừ các TCTD).
Tổng công ty, công ty mẹ, các đơn vị thành viên trực thuộc hạch toán độc lập được xác định là một khách hàng.
b) Khách hàng tư nhân gồm: cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác.
Điều 4. Các báo cáo thông tin tín dụng bắt buộc
Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm báo cáo thông tin tín dụng bắt buộc cho CIC các thông tin sau:
1. Thông tin về hồ sơ pháp lý của khách hàng vay
a) Đối với khách hàng doanh nghiệp quy định tại mục a, khoản 5, Điều 3 được báo cáo theo mẫu K1A.
b) Đối với khách hàng tư nhân qui định tại mục b, khoản 5, Điều 3 được báo cáo theo mẫu K1B.
2. Thông tin về tài chính của khách hàng vay
Thông tin về tài chính của khách hàng vay được báo cáo theo các chỉ tiêu thông tin hiện có mà các TCTD thu thập được.
Trong trường hợp cần thiết khi CIC có yêu cầu báo cáo thì TCTD, chi nhánh TCTD phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin tài chính theo các báo cáo tài chính hàng năm của khách hàng vay (nội dung thông tin theo các mẫu báo cáo tài chính doanh nghiệp do Bộ Tài chính qui định).
3. Thông tin về dư nợ tín dụng của khách hàng báo cáo theo mẫu K3.
4. Thông tin về tài sản đảm bảo tiền vay của khách hàng báo cáo theo mẫu K4A và mẫu K4B.
5. Thông tin về bảo lãnh cho khách hàng báo cáo theo mẫu K6.
6. Thông tin về khách hàng vay có tổng dư nợ bằng hoặc hơn 5% vốn tự có của TCTD được báo cáo theo mẫu K8.
7. Trong trường hợp cần thiết, khi CIC có yêu cầu thì TCTD phải báo cáo thông tin về nợ quá hạn theo mẫu K9 và thông tin về các khoản TCTD bảo lãnh trả thay khách hàng trong trường hợp khách hàng được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ của mình khi đến hạn thanh toán theo mẫu K7.
Hệ thống các mẫu biểu báo cáo thông tin tín dụng bắt buộc gồm K1A, K1B, K3, K4A, K4B, K6, K7, K8, K9 được ban hành kèm theo Quyết định này.
Trên cơ sở các mẫu biểu báo cáo này Giám đốc CIC có trách nhiệm chuyển đổi thành mẫu file báo cáo điện tử và hướng dẫn thực hiện thống nhất trong hoạt động thông tin tín dụng.
Điều 5. Phương thức báo cáo
TCTD có trách nhiệm báo cáo thông tin tín dụng cho CIC dưới dạng file điện tử, những đơn vị chưa có đủ điều kiện thì báo cáo bằng văn bản.
Việc báo cáo bằng file điện tử đối với các báo cáo nói trên có giá trị như báo cáo bằng văn bản.
Chương II
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TÍN DỤNG
Điều 6. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước
1. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với CIC triển khai thực hiện hoạt động thông tin tín dụng; cung cấp các thông tin tín dụng cho CIC để xây dựng kho dữ liệu thông tin theo quy định.
2. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có quyền khai thác, sử dụng thông tin tín dụng để phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
3. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành Quy chế này.
Điều 7. Trung tâm Thông tin tín dụng
1. Trách nhiệm:
a) Làm đầu mối hướng dẫn, đôn đốc thực hiện hoạt động thông tin tín dụng đối với các đối tượng qui định tại Điều 2 theo thẩm quyền.
b) Hướng dẫn việc xây dựng quy trình kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống mã số và các chuẩn chung liên quan đến hoạt động thông tin tín dụng cho các tổ chức tham gia hoạt động thông tin tín dụng.
c) Thu nhận, xử lý thông tin tín dụng và tổ chức, xây dựng, quản lý kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.
d) Báo cáo thông tin tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước.
e) Làm dịch vụ thông tin tín dụng (trừ những thông tin thuộc bí mật Nhà nước) cho các tổ chức tín dụng, tổ chức khác và cá nhân quy định tại Điều 2.
f) Trao đổi thông tin tín dụng với các chi nhánh NHNN, TCTD, chi nhánh TCTD.
g) Hỗ trợ các tổ chức tham gia hoạt động thông tin tín dụng trong việc khai thác, sử dụng thông tin.
h) Hỗ trợ đào tạo cán bộ nghiệp vụ cho các tổ chức tham gia hoạt động thông tin tín dụng khi có yêu cầu.
i) Hàng quí, báo cáo Thống đốc NHNN về kết quả hoạt động thông tin tín dụng.
2. Quyền hạn:
a) Yêu cầu các tổ chức tham gia hoạt động thông tin tín dụng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin quy định tại Điều 4 Quy chế này.
b) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD trong việc thực hiện hoạt động thông tin tín dụng.
c) Được thu tiền dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
d) Được từ chối cung cấp thông tin tín dụng, làm dịch vụ thông tin tín dụng đối với những đối tượng không chấp hành đúng các quy định của Quy chế này.
Điều 8. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước
1. Trách nhiệm
a) Bố trí tổ chức, nhân sự và các điều kiện liên quan để thực hiện nghiệp vụ thông tin tín dụng tại chi nhánh.
b) Phối hợp với CIC để đôn đốc, kiểm tra các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn thực hiện Quy chế này.
c) Trao đổi thông tin tín dụng với CIC.
2. Quyền hạn
a) Được khai thác, sử dụng thông tin tín dụng để phục vụ nhiệm vụ quản lý của NHNN trên địa bàn .
b) Được CIC hỗ trợ đào tạo cán bộ làm nghiệp vụ thông tin tín dụng.
c) Được tổ chức cung cấp thông tin tín dụng từ CIC cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Điều 9. Tổ chức tín dụng
1. Trách nhiệm
a) Xây dựng chương trình phần mềm thông tin tín dụng, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hoạt động thông tin tín dụng tới các sở giao dịch, chi nhánh, các đơn vị trực thuộc.
b) Phải thu thập, tập hợp, kiểm soát thông tin tín dụng từ các sở giao dịch, chi nhánh, đơn vị trực thuộc và báo cáo đầy đủ, trung thực, đúng thời hạn cho CIC. Nội dung và phương thức báo cáo thông tin tín dụng cho CIC theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quy chế này.
c) Nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các nghiệp vụ quản trị rủi ro tín dụng; phải khai thác, sử dụng thông tin tín dụng nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng.
d) Xây dựng quy trình kỹ thuật, bảo mật, mã số khách hàng, tuân thủ các chuẩn chung liên quan đến hoạt động thông tin tín dụng do CIC hướng dẫn để thực hiện thống nhất, an toàn.
e) Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, đúng hạn của thông tin tín dụng đã báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước.
f) Trao đổi thông tin tín dụng với CIC.
2. Quyền hạn
a) Được quyền khai thác sử dụng thông tin tín dụng.
b) Được quyền đề nghị CIC kiểm tra về tính chính xác, kịp thời của thông tin tín dụng do CIC cung cấp.
c) Được CIC hỗ trợ về đào tạo, hướng dẫn cán bộ làm nghiệp vụ thông tin tín dụng.
Điều 10. Tổ chức khác và cá nhân
Tổ chức khác và cá nhân quy định tại khoản 3, Điều 2 có nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin tín dụng phải gửi yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin tín dụng tới CIC, tự nguyện tham gia hoạt động thông tin tín dụng theo các quy định tại Quy chế này và được khai thác sử dụng thông tin tín dụng từ CIC.
Điều 11. Quy định về sử dụng thông tin tín dụng
Tổ chức, cá nhân được quyền khai thác sử dụng thông tin tín dụng phải tuân thủ quy định sau:
1. Sử dụng thông tin đúng mục đích phục vụ cho công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước, phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội, không được gây phương hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
2. Không sửa đổi, sử dụng thông tin tín dụng của CIC để cung cấp lại cho đơn vị, cá nhân khác.
Điều 12. Thu tiền dịch vụ thông tin tín dụng
Các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin tín dụng phải trả tiền dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 13. Khen thưởng
Hàng năm, CIC báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả hoạt động thông tin tín dụng để xem xét khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động thông tin tín dụng.
Điều 14. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy chế này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động Ngân hàng.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng có trách nhiệm quy định các bảng mã, các file báo cáo điện tử và hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 16. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định./.